BẮC NINH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG TẠO ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Mục Lục

Theo Quy hoạch phát triển tỉnh Bắc Ninh nêu rõ mục tiêu phấn đấu trước năm 2030, Bắc Ninh sẽ là Thành phố trực thuộc TW có 4 thành phố gồm: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã là Quế Võ, Thuận Thành và 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình. Để đạt mục tiêu này , Tỉnh Bắc Ninh xác định việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng về giao thông là ưu tiên hàng đầu, làm tiền đề đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển KT-XH của tỉnh. Tại Bắc Ninh sẽ định hướng phát triển hệ thống giao thông ngầm, không gian ngầm theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt 25%. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, đường sắt đô thị, giao thông ngầm, đưa thêm 2 tuyến cao tốc vào vận hành…

Bắc Ninh là địa phương có tốc độ phát triển KTXH hàng đầu cả nước

Nhiều dự án giao thông trọng điểm

Ông Nguyễn Minh Hiếu – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh cho biết: Những năm qua, ngành GTVT tỉnh Bắc Ninh đã tập trung tối đa nguồn lực; xây dựng Quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các giai đoạn. Từ những định hướng trên và quan điểm “ Giao thông đi trước một bước làm nền tảng thu hút đầu tư”. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh tương đối hoàn chỉnh với khoảng 6.480 Km đường bộ. Nhiều dự án giao thông quan trọng đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian qua gồm các Dự án ĐTXD: cầu Bình Than; hoàn chỉnh nút giao thông QL.18 (Nội Bài – Bắc Ninh) với KCN Yên Phong, nút giao thông phía Tây Nam TP.Bắc Ninh; ĐT.295 B (TP.Bắc Ninh –TP.Từ Sơn); ĐT.280 (Đông Bình – CCN Lâm Bình, H.Gia Bình); ĐT.276 (TT.Chờ, H.Yên Phong – TT.Lim, H.Tiên Du); ĐT.286 (Vạn An, TP.Bắc Ninh – cầu Đò Lo, H.Yên Phong); ĐT.287 (QL.38 mới thuộc H.Tiên Du – cầu Quế Tân, TX.Quế Võ); ĐT.277 (TT.Chờ – Phù Chẩn, TP.Từ Sơn)..v.v.

Hiện nay tỉnh Bắc Ninh đang tập trung cao độ triển khai 06 dự án trọng điểm ngành GTVT giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt, mang tính kết nối cao như Dự án ĐTXD: cầu Kênh Vàng kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương; đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh); cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành, đường ĐT. 287 (Trung Nghĩa, H.Yên Phong – Đồng Nguyên, TP.Từ Sơn; các tuyến ĐT.295C, ĐT.277B kết nối đường Vành đai 4 với cầu Hà Bắc 2 và ĐT.285B qua các KCN tỉnh Bắc Ninh; ĐT.285B qua địa phận H.Gia Bình, Lương Tài và TX.Thuận Thành; nhiều tuyến đường đến các KCN được mở mới, qua đó tạo điều kiện thuận lợi về thu hút đầu tư và nâng cao hình ảnh của tỉnh đến với các nhà đầu tư.

Hàng loạt dự án trọng điểm được đầu tư trong thời gian qua

Những nhiệm vụ trọng tâm

Trong thời gian tới, ngành GTVT phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý trong vùng Thủ đô, phát triển hạ tầng GT đồng bộ, hiện đại, kết nối chặt chẽ với các địa phương trong vùng, nhất là Hà Nội, Vĩnh Phúc, tạo thành một cực của tam giác tăng trưởng Hà Nội – Bắc Ninh – Vĩnh Phúc. Phát triển giao thông đô thị, hệ thống giao thông công cộng hiện đại, bao gồm các tuyến xe buýt và đường sắt đô thị để tăng cường kết nối, mở rộng không gian phát triển cho TP.Bắc Ninh và các địa phương trong tỉnh. Đa dạng hóa các phương thức vận tải, phát huy các tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa để giảm chi phí logistics ra các cảng nước sâu tại khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, trọng tâm là luồng tuyến sông Đuống, sông Thái Bình; Quy hoạch đồng bộ hệ thống Cảng cạn (ICD) kết nối qua hệ thống đường bộ để tới các Cảng thủy nội địa từ đó vận chuyển hàng hóa ra các Cảng biển và từ hệ thống đường bộ kết nối với Cảng hàng không; nâng cấp hệ thống cảng hàng hóa, hành khách phục vụ nhu cầu vận tải và du lịch trên địa bàn;

Sở GTVT sẽ chủ động đôn đốc Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phối hợp với UBND, Hội đồng GPMB các điạ phương đẩy nhanh tiến độ GPMB bàn giao cho Chủ đầu tư; đồng thời Sở tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của ngành. Có thể thấy, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa của tỉnh mà còn là đòn bẩy cho thu hút đầu tư. Như lời Bác Hồ nói “Giao thông thông suốt thì việc gì cũng dễ”. Với định hướng và sự quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, sẽ giúp mạng lưới giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ và được nâng cao chất lượng, từ đó đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh quy hoạch giao thông với tầm nhìn dài hạn, hiện đại

Dành 25% đất để phát triển giao thông đô thị

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc. Địa phương cũng được quy hoạch là một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh Bắc Ninh đạt 8-9%/năm.

Quy hoạch nêu rõ mục tiêu phấn đấu trước năm 2030, Bắc Ninh có 4 thành phố gồm: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã là Quế Võ, Thuận Thành và 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình. Huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm hành lang an toàn giao thông. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải.

Với quyết tâm của mình Bắc Ninh sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030

 Một trong những đột phá phát triển được nêu rõ tại quy hoạch này đó là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng); hạ tầng đô thị trên phạm vi toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh; các hạ tầng số cốt lõi tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử; phát triển các trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước.

Facebook
Twitter
LinkedIn